Vòi rồng: Cơn thịnh nộ của thiên nhiên

Một vùng mây xoáy khổng lồ trên bầu trời xám xịt vươn dài chiếc vòi hút ngoằn ngoèo xuống mặt đất. Nó có thể xé toang chiếc xe tải 10 tấn, cuốn một tòa nhà 5 tầng từ chân lên tới đỉnh núi và chỉ trong nháy mắt đã ném văng một toa tàu hỏa đi xa khoảng 2 cây số. ‘Hung thần’ đó chính là vòi rồng.

Vòi rồng là hiện tượng một luồng không khí lớn xoáy tròn mở rộng ra từ một đám mây dông xuống tới mặt đất. Đường kính của vòi rồng có thể thay đổi từ một vài chục mét đến 2 cây số, trung bình là vào khoảng 50 mét.

Vòi rồng hình thành ở bán cầu bắc thường tạo ra gió xoáy ngược chiều kim đồng hồ, xung quanh một tâm có áp suất không khí cực kỳ thấp. Ở bán cầu nam, gió hình thành vòi rồng đi theo chiều kim đồng hồ. Vận tốc gió tối đa có thể tới 120 – 150 km/ giờ.

Phần lớn vòi rồng được hình thành từ một dạng mây dông đặc biệt gọi là mây dông tích điện. Một đám mây dông tích điện có thể kéo dài trong vài giờ, xoáy tròn trong vùng có đường kính từ 10 – 16 km, chu du hàng trăm dặm và sinh ra một số “ống hút” khổng lồ như vậy.

Các nhà khoa học cho rằng vòi rồng được hình thành giữa một vùng có luồng khí nóng đi lên và một vùng có luồng khí lạnh đi xuống. Bước đầu tiên là quá trình tương tác giữa những cơn dông hướng lên trên và gió. Cơn dông này là một luồng khí nóng ẩm, được nâng lên khỏi mặt đất trong quá trình hình thành bão. Sự tương tác khiến cho tầng khí nóng đi lên xoay tròn trong không trung. Giai đoạn hai là sự phát triển của dòng khí lạnh di chuyển theo hướng đi xuống mặt đất ở phía bên kia của cơn bão. Tốc độ dòng khí đi xuống có thể vượt quá 160 km/ giờ. Vòi rồng loại yếu hơn có thể được tạo ra ngoài biển. Chúng thường xuất hiện trong các vùng nước nhiệt đới.

Việc đo tốc độ của vòi rồng một cách trực tiếp là vô cùng khó khăn, bởi nó có thể phá hủy nhiều thứ xuất hiện trên đường đi. Năm 1971, ông Theodore Fujita, một nhà khí tượng thuộc Đại học Chicago đã chế tạo ra một hệ thống phân biệt cấp độ của vòi rồng dựa trên việc đo tác hại của nó đối với những công trình nhân tạo. Thiết bị được gọi là cân F. Độ mạnh của vòi rồng tăng dần từ F0 – F5. Vòi rồng yếu nhất (F0) có thể phá hủy ống khói và các biển hiệu, trong khi ở cấp mạnh nhất (F5) chúng có thể thổi bay những căn nhà khỏi móng.

Mỹ là nơi có số lượng vòi rồng trung bình mỗi năm cao nhất thế giới, khoảng 800 cơn. Australia xếp thứ hai. Vòi rồng cũng xảy ra ở nhiều nước như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Anh và Đức.

Trận lốc xoáy vòi rồng tồi tệ nhất ở Mỹ xảy ra ngày 18/03/1925. Cùng một lúc 7 vòi rồng xuất hiện ở 3 bang Illinois, Misrousi, Indiana làm 740 người thiệt mạng và phá hủy nhiều cấu trúc hạ tầng. Một thảm họa vòi rồng khác cũng đáng nhớ không kém xảy ra vào ngày 03/04/1974, nó là tập hợp của 148 vòi rồng nhỏ, giết chết 315 người từ bắc Alabama đến bang Ochio.

Trong thời gian diễn ra vòi rồng, mọi người phải ngay lập tức tìm nơi trú ẩn trong một tầng hầm hay nơi kín đáo của tòa nhà như phòng họp, phòng tắm. Tuyệt đối tránh trú ẩn trong xe hơi và nhà di động bởi chúng có thể bị thổi bay bất cứ lúc nào. Không nên ở trong những nhà lớn có mái rộng như thính phòng hay siêu thị là những nơi dễ bị sụp đổ. Nếu đang ở ngoài đường, bạn nên chui xuống một cái rãnh hay mương sâu và che đầu cẩn thận để khỏi bị thương do đất đá rơi xuống.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!