Nhà Địa chất học (Geologist)

Tìm hiểu nghề Nhà Địa chất học (Geologist)

Nhà Địa chất học nghiên cứu tính chất, thành phần và cấu trúc của trái đất và những hành tinh khác để mở rộng kiến thức khoa học, tìm kiếm nguồn vật liệu và khoáng sản, tư vấn cho việc khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường và phục hồi môi trường đất sau khi khai thác khoáng sản.

Nhà Địa chất học giúp mang lại sự hiểu biết về trái đất, tạo cơ sở cho việc sử dụng hợp lý đất đai, phát triển tài nguyên và giải quyết những vấn đề do sự thay đổi của môi trường.

Công việc của Nhà Địa chất học

  • Thăm dò những khu vực cụ thể của bề mặt trái đất để xác định cấu trúc và các loại hình đất đá, khoảng sản, dầu mỏ tồn tại bên dưới.
  • Nghiên cứu thành phần và kết cấu lõi của đá, cát, lát cắt và mẫu đá.
  • Nghiên cứu thống kê địa chất và lý thuyết mẫu.
  • Nghiên cứu và xác định niên đại các sinh thể hóa thạch (fossilised) và các vỉa đá.
  • Nghiên cứu tính chất và tác động của những hiện tượng tự nhiên như xói mòn (erosion), trầm tích (sedimentation), băng hà (glaciation), các nguy cơ núi lửa và động đất.
  • Xác định và quản trị nguồn nước, điều tra nhiễm bẩn (con-tamination) nước ngầm và độ mặn của đất.
  • Đảm trách việc lấy mẫu địa hóa của luồng trầm tích và đất.
  • Thực hiện các khảo sát địa từ và trọng trường.
  • Nghiên cứu các mẫu địa chất bằng những kỹ thuật như quang học, X-quang, kính hiển vi điện tử, hóa học và cơ khí.
  • Hỗ trợ công tác đánh giá tính kinh tế của việc khai thác nguồn tài nguyên.
  • Tư vấn về kết cấu địa chất cho các công trình đường hầm, cầu, đường và dự án cấp nước.
  • Hỗ trợ công tác đánh giá địa chất môi trường như việc sử dụng đất, quy hoạch và phục hồi môi trường, những nghiên cứu về đáy biển và các vấn đề ô nhiễm.
  • Áp dụng máy tính để tổng hợp và diễn giải những tập hợp dự liệu thông tin địa chất.
  • Lâp những mô hình toán học để mô tả những quá trình và dự đoán những tình huống tương lai.
  • Lập bản đồ và soạn những báo cáo địa chất.
  • Giám sát và phối hợp công việc của chuyên viên kỹ thuật và nhân viên khảo sát.

Nhà Địa chất học có thể làm việc ở văn phòng, phòng thí nghiệm hoặc trên thực địa. Họ làm việc độc lập hoặc trong nhóm các nhà địa chất chuyên hoặc không chuyên.

Họ cũng có thể tiếp xúc với công chúng để tham khảo ý kiến. Công việc thực địa có thể ở những vùng xa xôi. Giờ làm việc của họ có thể thất thường.

Các chuyên ngành của Nhà Địa chất học

1 – Địa chất kỹ thuật (Engineering Geologist): Làm việc với những kỹ sư thực hiện bản đồ địa chất, cả bề mặt lẫn trong lòng đất. Đánh giá chất lượng đá xây dựng và khai thác đá dùng cho lót và làm đường. Họ cũng đánh giá an toàn nền móng trong xây dựng cũng như hầm mỏ ngầm và lộ thiên.

2 – Địa chất môi trường (Enviromental Geologist): Nghiên cứu tính chất của đất và nước trên mặt đất, sự di chuyển, xói mòn (erosion) và thoái hóa (degradation) của đất, nhiễm mặn và xói mòn bờ biển, hậu quả của ô nhiễm và sự can thiệp của con người lên các yếu tố động học của sông, ảnh hưởng môi trường của việc khai khoáng, năng lượng hạt nhân và đổ bỏ chất thải.

3 – Địa chất thăm dò (Exploration Geologist): Khảo sát để xác định cấu trúc địa chất, phân bố và tuổi của đất đá, lấy mẫu trên bề mặt đất và dưới sâu, trong hầm mỏ, mẫu đất trên mũi khoan hay lõi khoan. Họ sử dụng bản đồ địa chất, không ảnh, dữ liệu địa chất do vệ tinh và kết quả khảo sát để soạn bản đồ địa chất của vùng nghiên cứu. Căn cứ trên các bản đồ này và dấu hiệu của các loại khoáng đặc thù, nhà địa chất có thể xác định những địa điểm có khả năng tồn tại các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

4 – Địa chất khoáng học (Mineralogist): Nghiên cứu các thành phần hóa học và khoáng chất của đá bằng những thiết bị như hiển vi quang học hoặc điện tử, nhiễu xạ tia X, hấp phụ nguyên tử, quang phổ kế khối lượng. Họ cũng nghiên cứu sự di chuyển của tác nhân ô nhiễm qua những lớp đá.

5 – Địa chất hồi phục môi trường (Geomorphlogist): Là chuyên ngành liên quan trực tiếp đến khoa địa cư (geography). CÁc nhà địa chất hình thái môi trường nghiên cứu, đề xuất và thực hiện các chương trình hồi phục hình thái ban đầu cho những khu hầm mỏ, khai thác đất đá sau khi khai thác hay những xáo trộn môi trường khác.

6 – Địa chất thủy học (Hydrogeologist): Nghiên cứu luồng chảy, tính chất của nước ngầm có thể sử dụng cho các mục đích nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt.

7 – Địa chất hầm mỏ (Mine site geologist): Theo dõi chất lượng quặng khai thác và định vị các nhánh của vỉa quặng. Quyết định khu vực khai thác theo từng giai đoạn và xác định giới hạn quặng của vùng mỏ.

8 – Địa chất cổ sinh học (Palaeontologist): Nghiên cứu phân loại, mô tả các loài động thực vật hóa thạch tìm thấy trong đá. Tìm hiểu trình tự tiến hóa của chứng liệu hữu cơ là rất quan trọng trong khai thác than và dầu hỏa.

9 – Địa chất dầu khí (Petroleum geologist): Thăm dò và thiết lập sơ đồ cấu tạo địa tầng, thành phần và cấu trúc của các lớp vỏ trái đất để xác định các nguồn tài nguyên dầu và khí tự nhiên. Họ ước tính trữ lượng bằng các phương pháp địa chất, chứng liệu địa chất, đề xuất các phương án khoan và quy trình sản xuất thích hợp nhất.

Yêu cầu nghề nghiệp

  • Có thể làm việc tập thể
  • Cũng có thể làm việc độc lập
  • Có thể viết báo cáo và ghi chép chính xác
  • Sức khỏe tốt
  • Sẵn sàng làm việc ngoài trời trong những môi trường khác nhau.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!