42: Đánh vào người chăn, đàn cừu tan tác

Nhiều khi vấn đề chỉ xuất phát từ một cá nhân hùng mạnh – tên quậy phá, tay phụ tá ngạo mạn, kẻ đầu độc thiện chí. Nếu bạn chừa đất cho chúng dụng võ, nhiều người khác sẽ bị chúng lôi kéo. Đừng chờ rắc rối từ đó lan ra, đừng thử thương lượng với chúng, vì chúng không còn khả năng cải tạo. Hãy triệt tiêu ảnh hưởng của chúng bằng cách cô lập hay lưu đày. Hãy đánh mạnh vào nguồn rắc rối và bầy cừu sẽ tan tác.

Tuân thủ nguyên tắc

Khoảng cuối thế kỷ VI trước Công nguyên, thành bang Athens truất phế hàng loạt những nhà độc tài từng thống trị đời sống chính trị của thành phố trong nhiều thập niên. Athens thiết lập một nền dân chủ kéo dài hơn trăm năm, nền dân chủ là căn nguyên của sức mạnh và những thành tựu đáng tự hào nhất của thành phố. Nhưng với đà tiến triển của dân chủ, dân Athens phải đối mặt với một vấn đề chưa từng có: Làm sao xử lý những thành phần không quan tâm đến sự gắn kết của một thành phố nhỏ bị lực lượng thù địch vây quanh, những thành phần không tham gia xây dựng niềm vinh quang chung mà chỉ nghĩ đến bản thân, đến tham vọng và mưu đồ cá nhân? Người dân Athens biết nếu để yên, chúng sẽ gieo rắc bất đồng, chia rẽ thị dân, khuấy động bất an dẫn đến suy sụp nền dân chủ.

Các hình thức trừng phạt tàn bạo không còn thích hợp với trật tự mới mẻ và văn minh mà thành phố đã dựng xây. Thay vào đó, người dân Athens tìm ra cách khác thích hợp hơn, ít bạo lực hơn để xử lý bọn ích kỷ kinh niên: Cứ mỗi năm nhân dân lại đổ về nơi họp chợ, viết lên miếng ostrakon (đất nung) tên của người mà mình muốn trục xuất khỏi thành phố. Người nhận được nhiều “phiếu” nhất sẽ bị lưu đày trong mười năm.

Năm 490 TCN, tướng Aristides dẫn quân Athens đánh tan quân xâm lược Persia tại trận Marathon nổi tiếng, vì vậy ông được thị dân hết mực tôn sùng. Ngoài tài cầm quân ông còn giỏi giang trong việc phân xử nên được dân chúng gọi là “Kẻ công bằng”. Nhưng vì ông quá đỗi công bằng nên dần dà dân chúng cũng ghét nên cuối cùng lại dùng hình thức ostrakon kể trên để xử lý ông.

Sau ông, vị tướng giỏi Themistocles sau một thời gian nổi trội cũng phải chịu hình phạt đó.

Rồi đến phiên Pericles, gương mặt chính trị vĩ đại nhất Athens hồi thế kỷ thứ V, tuy có cố gắng lấy lòng quần chúng nhưng cuối cùng cũng phải ra đi.

Sau những người lỗi lạc, đến lượt những kẻ hèn mọn hơn cũng chịu cùng số phận. Cuối cùng dân chúng Athens cảm thấy miếng ostrakon đã bị lạm dụng nên đình chỉ hình thức này. Cục đất nung đã giúp dân Athens ném ngay vào thành phần đầu não nào có tiềm năng quy tụ những kẻ gây rối, nhờ đó làm cho đàn cừu phải tan tác không thể trở thành lực lượng hùng mạnh.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!