Chử Đồng Tử – Ông tổ nghề buôn Việt Nam

Giới thiệu

Trong các thư tịch cổ của nước ta đều có ghi chép rõ về vị Thần Chử Đạo Tổ tức Chử Đồng Tử.

Chử Đồng Tử là thương nhân đầu tiên của nước Việt và trong tâm thức của người Việt, ông còn là vị thần linh bảo hộ nghề buôn bán. Các nhà buôn mỗi lần qua đài thờ Chử Đồng Tử – Tiên Dung đều dừng thuyền, lên đền thắp hương khấn cầu vợ chồng ngài phù hộ.

Truyện kể Chử Đồng Tử

Trong Lĩnh Nam chích quái liệt truyện có truyện Nhất Dạ Trạch như sau:

“Hùng Vương truyền đến đời vua thứ ba thì sinh được một gái tên là Mỵ Nương Tiên Dung, mười tám tuổi, dáng người xinh đẹp, không muốn lấy chồng, chỉ ham dạo chơi, thích tuần du trong thiên hạ. Vua yêu chìu nên cho nàng tùy ý. Mỗi năm vào khoảng tháng hai tháng ba, sắm sửa thuyền bè lênh đênh chơi nơi hải ngoại, đôi lúc mải vui quên cả về.

Bấy giờ ở hương Chử Xá có Chử Vi vân sinh ra Đồng Tử. Hai cha con tính vồn từ, hiếu. Nhà gặp hỏa hoạn của cải sạch sanh, chỉ còn lại một chiếc khố vải. Hai cha con ra vào thay nhau mà mặc. Đến lúc cha già lâm bệnh, bảo Đồng Tử rằng:

– Cha chết thì cứ để truồng mà chôn, giữ khố lại cho con, may khỏi xấu hổ.

Nhưng đến khi cha mất, Đồng Tử cứ lấy khố liệm chôn, còn mình thì thân thể trần truồng, đói rét khổ sở. Đồng Tử đi đến bên sông cầm cần câu cá. Mỗi khi thấy có thuyền buôn thì chui mình xuống dưới nước.

Không ngờ thuyền Tiên Dung đột nhiên tới. Nghe tiếng chiêng trống sáo kèn, thấy đầy những nghi trượng cờ quạt, Chử Đồng Tử kinh sợ, không biết chạy núp vào đâu. Trên bãi cát có một chòm lau lơ thơ ba bốn gốc, bèn vào ẩn tránh trong đó, moi cát thành hố để giấu thân, lại lấy cát phủ lên trên.

Trong khoảnh khắc, thuyền của Tiên Dung xốc tới, bèn đậu ở đấy để lên bãi dạo chơi, rồi ra lệnh quay màn chung quanh chòm lau làm nơi tắm gội. Tiên Dung vào trong màn cởi áo tắm rửa, dội nước làm cho cát dạt đi, lộ ra thân hình Đồng Tử. Tiên Dung kinh ngạc, nhìn một lúc lâu biết đó là người con trai. Tiên dung nói:

– Ta vốn không muốn lấy chồng. Nay gặp người này ở trần truồng chung một hố, ấy là trời khiến như thế. Chàng nên mau dậy tắm rửa đi.

Nàng ban cho áo quần, rồi bảo xuống chung một thuyền, ăn uống tiệc tùng vui vẻ. Người trong thuyền ai nấy đều cho là cuộc gặp gỡ tốt đẹp xưa nay chưa hề có.

Đồng Tử nói hết lý do vì sao đến đây. Tiên Dung bùi ngùi than thở, bảo chàng cùng kết duyên vợ chồng. Đồng Tử từ chối. Tiên Dung nói:

– Sự việc gặp nhau xui ra như thế, đừng cố chối từ nữa!

Những kẻ theo hầu vội về tâu với Hùng Vương. Vua giận nói:

– Tiên Dung không tiếc danh tiết, không tiếc của cải của ta, rong chơi ngoài đường, hạ mình lấy người nghèo, còn mặt mũi nào thấy ta nữa. Từ nay mặc mày muốn làm gì thì làm, không được trở về nữa.

Tiên Dung nghe sợ, không dám về, bèn cùng Đồng Tử mở quán chợ, lập phố xá, mua bán với dân, liền thành cái chợ lớn (chợ Thám). Thương nhân nước ngoài tới lui buôn bán, kính thờ Tiên Dung – Đồng Tử làm chúa.

Có một khách buôn lớn đến bảo Tiên Dung rằng:

– Quý nhân hãy bỏ ra một dật vàng, năm nay cùng thương nhân nước ngoài mua vật quý, sang năm được lãi mười dật.

Tiên Dung nghe ngóng, bảo Chử Đồng Tử rằng:

– Vợ chồng ta là bởi trời mà nên, cái ăn cái mặc là do người làm lấy. Nay nên mang một dật vàng cùng thương nhân ra nước ngoài mua vật quý để buôn bán sinh sống.

Đồng Tử bèn cùng thương nhân đi buôn bán, lênh đênh khắp nước ngoài. Có núi Quỳnh Vi, trên núi có am cỏ. Thương nhân ghé thuyền vào múc nước, Đồng Tử lân am dạo chơi. Trong am có một tiểu tăng tên Phật Quang truyền phép cho Đồng Tử. Đồng Tử bèn lưu lại đấy để học phép, đưa tiền cho thương nhân mua hàng.

Thời gian sau, thương nhân quay trở lại, tới am để chở Đồng Tử về. Tiểu tăng tặng cho Đồng Tử một cây gậy một chiếc nón lá và bảo:

– Các phép linh dị thần thông đã ở đây cả rồi!

Đồng Tử về, đem đạo Phật nói hết với Tiên Dung, Tiên Dung giác ngộ, bèn bỏ cả quán chợ, nghề buôn để cùng Đồng Tử tìm thầy học đạo. Có một hôm đi xa, trời tối chưa kịp đến nhà, tạm nghỉ lại dọc đường, dựng gậy úp nón để tự che thân. Đêm đến canh ba, hiện ra đủ các thứ thành quách, lầu châu điện ngọc, đài các lang vũ, phủ khố miếu xã vàng bạc châu ngọc, giường chiếu trướng màn, kim đồng ngọc nữ, tướng sĩ thị vệ la liệt trước mắt.

Sáng hôm sau, ai trông thấy cũng kinh ngạc, liền đem các thứ hương hoa ngọc thực đến dâng, xin làm bề tôi. Từ đó có trăm quan văn võ, chia quân túc vệ, riêng thành một nước.

Hùng Vương nghe tin, cho là con gái làm loạn, bèn đem quân đi đánh. Khi quân Hùng Vương sắp tới nơi, quần thần xin được lệnh đem binh chống giữ. Tiên Dung cười nói:

– Không phải do ta làm, chính là trời khiến vậy. Sống chết tại trời, con đâu dám chống lại cha. Cứ tin theo lẽ đúng, mặc cho chém giết.

Bấy giờ dân cư mới tới đều sợ chạy tứ tán, chỉ có dân cũ ở lại cùng Tiên Dung. Khi quân Hùng Vương đến, đóng doanh trại ở châu Tự Nhiên, còn cách một con sông lớn thì gặp trời tối, chưa kịp tiến quân. Đên nửa đêm, bỗng nổi gió to, nhổ cây tung cát, quân Hùng Vương hỗn loạn. Tiên Dung, Chử Đồng Tử cùng quần thần, bộ hạ, thành quách phút chốc bay lên trời.

Chỗ đất cũ sụt xuống thành cái chằm lớn.

Ngày hôm sau nhân dân nhìn không thấy nữa, cho là linh dị, liền lập miếu thờ, thường xuyên cúng tế. Đặt tên cái chằm ấy là “Nhất Dạ Trạch”, bãi cát ấy là “Tự Nhiên Châu” hay ‘Mạn Trù Châu”, cái chợ ấy là “Hà Thị”.

Thờ cúng

Tưởng nhớ ơn đức của Chử Đạo Tổ, nhân dân lập đền thờ ngài ở nhiều nơi, nhưng quần thể văn hóa thuộc làng Đa Hòa, huyện Châu Giang (Hưng Yên), cách Hà Nội hơn 20km vẫn là nơi nổi tiếng đẹp và trang nghiêm nhất.

Hội làng Đa Hòa diễn ra hàng năm, từ ngày 10 đến ngày 15 tháng ba Âm lịch với nhiều nghi thức trang nghiêm nhằm tưởng nhớ ơn đức của vợ chồng Chử Đồng Tử – Tiên Dung.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!