Tổ nghề gốm: Ông Nồi
Truyền thuyết về ông tổ đầu tiên của nghề gốm có tên là ông Nồi. Ông tên là Đào Nồi, con ông Đào Hoằng, từ xưa vốn ở đất Tuyên Quang. Ông tổ ba đời của Đào Hoằng lập nghiệp ở làng Hương Canh (Vĩnh Phú) chuyên sống bằng nghề nặn nồi niêu. Đào Hoằng sinh con đặt tên là Nồi, một phần do thực tế nghề nghiệp của gia đình và một phần ước mơ con mình lớn lên sẽ nối nghiệp, trở thành tay thợ khéo léo. Thật vậy, Nồi nặn nồi rất giỏi. Các loại nồi lớn, nhỏ của anh đều được người ta ưa chuộng. Nhiều thợ trong làng tôn anh là bậc thầy, bậc đàn anh.
Đào Nồi cưới vợ là người làng Chiêm Trạch, họ Dương và có hai người con đặt tên là Đống và Vực.
Không những giỏi nghề gốm, Nồi còn là người tinh thông võ nghệ. Khi An Dương Vương (năm 246 – 210 trước Công nguyên) mở khoa thi võ, anh đi thi và trúng tuyển. Đào Nồi được bổ nhiệm làm quan võ ở kinh đô Âu Lạc, chức Nồi hầu. Hai con trai là Đào Đống và Đào Vực cũng làm tướng dưới triều nhà Thục An Dương Vương.
Khi Triệu Đà diệt nhà Thục, vợ chồng Đào Nồi cùng hai con chạy về Chiêm Trạch giả dạng làm người bán đồ gốm. Giặc đuổi theo, cả gia đình Đào Nồi dùng dao quyên sanh để giữ khí tiết. Vợ chồng cùng con cái ông được chôn ở khu gò gọi là Mộ Thánh hóa (thôn Vĩnh Thanh, làng Vĩnh Ngọc.)
Tổ nghề gốm: Cao Lỗ
Ở Vĩnh Phú còn kể thêm truyền thuyết về một nhân vật là Cao Lỗ, cũng được coi là ông tổ nghề gốm.
Cao Lỗ là tay đô vật giỏi nên dân hay gọi là Đô Lỗ. Ông là tướng giỏi của An Dương Vương, đã chế ra lẫy nỏ bắn một phát ra nhiều mũi tên diệt được nhiều giặc. Dù vậy ông cũng là người nặn nồi giỏi nên dân gọi là Nồi hầu.
Khi Triệu Đà cầu hôn Mỵ Châu cho trai, Cao Lỗ biết đó là mưu thâm độc nên hết lời can gián nhưng An Dương Vương không nghe rồi đuổi Cao Lỗ về làng.
Ông lại sống với nghề nặn đồ gốm nhưng vẫn luôn nghe ngóng tin tức triều đình. Khi Triệu Đà chiếm Cổ Loa, cướp dược nước Âu Lạc, Cao Lỗ bèn đem quân đi đánh Triệu Đà. Trong một trận quyết chiến ở Hương Canh, ông bị giặc bao vây; ông đã tử tiết với lưỡi dao trên tay. Đầu Cao Lỗ văng về phía nam vào địa phận làng Hiển Lễ (Kim Anh); thân Cao Lỗ bay về nhận chìm thuyền giặc ở Đầm Vạc (Hương Canh, Vĩnh Yên).
Với sự tích này, dân làng Hương Canh về sau chỉ làm nồi mà không làm vung. Còn dân làng Hiển Lễ nặn vung mà không nặn nồi. Những người thợ bảo rằng, nặn nồi phải lấy đất Đầm Vạc vì đó là thịt xương Cao Lỗ hóa thành.
Ca dao xưa còn ghi những địa danh nổi tiếng về nghề như:
Sành Móng Cái, vại Hương Canh,
Ngói lò Cánh, bánh quán Đanh.
Làng Cánh là Hương Canh sau này, nay thuộc xã Tam Cánh (Tam Đảo) nổi tiếng với nghề gốm truyền thống, sản xuất chum, vại tiểu sành, chĩnh, ngói .. chất lượng cao nên đâu đâu cũng chuộng.
Tổ nghề gốm ở các nơi khác
Ngoài những truyền thuyết trên, các địa phương có nghề gốm còn thợ phụng những ông tổ khác như:
- Ở làng Hương Canh thờ ông tổ Đỗ Quang . Ngày giỗ tổ là Mồng 6 tháng Giêng hàng năm.
- Làng gốm Ngãi Chánh, Vân Sơn, Nhạn Tháp (Bình Định) thờ ông tổ là vua Thuấn. Lế cúng tổ vào hai dịp Xuân và Thu; Xuân là ngày Mồng 6 tháng Giêng, Thu là Mồng 6 tháng bảy.
- Chợ Bộng (thuộc huyện Yên Thành, Nghệ An) thờ ông Đặng Quý Khoách làm tổ nghề.
- Làng Thổ Hà (Bắc Ninh, Hà Bắc) và Lò Chum (Thanh Hóa) thờ ông Trương Trung Ái.
- Làng gốm Phước Tích (Huế) thờ tổ Hoàng Minh Hùng.
- Làng gốm Bát Tràng thờ ông tổ Hứa Vĩnh Kiều.
- Làng gốm Thổ Hà thờ ông tổ Đào Trí Tiến
- Làng gốm Phù Lãng thờ ông tổ Lưu Phong Tú.