Săn việc vừa thú vị vừa đáng sợ!
Nhưng nếu bạn đã có sự chuẩn bị chu đáo cũng như bạn đã biết mình muốn làm việc gì thì bạn sẽ nhận ra rằng: Săn lùng được công việc lý tưởng không phải là ảo tưởng.
Khác biệt giữa Công việc tốt và Công việc mơ ước
- Một công việc tốt là công việc mà bạn yêu thích, muốn gắn bó lâu dài, mức lương cao (so với trình độ của bạn và mức lương trung bình trên thị trường lao động). Công việc tốt sẽ là việc cho phép bạn phát huy tối đa sở trường của mình.
- Một công việc mơ ước là việc mà bạn thật sự đam mê, mang lại cảm giác như bạn đang vừa học tập, vừa làm việc lại vừa chơi. Bạn sẵn sàng làm công việc đó ngay cả khi họ không trả lương xứng đáng cho bạn. Công việc mơ ước là nơi cho phép bạn phát huy phần lớn các kỹ năng tốt nhất của mình.
Việc xác định hai loại công việc này rất quan trọng. Một công việc tốt sẽ là nền tảng vững chắc cho bạn trong cuộc sống. Hãy chiến đấu để giành lấy một công việc tốt.
4 Bước đến gần với Công việc mơ ước
Bước 1: Xác định công việc mơ ước bản thân qua các lần phỏng vấn lấy thông tin
Bước 2: Xây dựng các mối quan hệ
Bước 3: Nghiên cứu những tồ chức có liên quan
Bước 4: Hành động để biến mục tiêu thành hiện thực.
Hãy nhớ: Công việc mơ ước không phải là công việc ảo tưởng, vượt quá khả năng của bạn.
Công việc mơ ước là một công việc mà bạn có thể đạt được sau vài năm làm việc chăm chỉ.
Bước 1: Phỏng vấn lấy thông tin
Rất nhiều người tự làm cho hành trình tìm việc của mình trở nên khó khăn, chỉ vì họ đã chọn sai xuất phát điểm. Chẳng hạn họ đi phỏng vấn mà không nhận thức được năng lực sở trường của mình, thiếu kiến thức về yêu cầu công việc hoặc không biết tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
Tại sao phải đi phỏng vấn lấy thông tin?
Những buổi phỏng vấn để có thông tin giúp bạn tìm kiếm công việc mà bạn mơ ước. Sau đây là năm lý do chủ yếu nói lên tầm quan trọng của việc phỏng vấn lấy thông tin khi bạn muốn tìm việc làm.
1 – Giúp bạn xác định đâu là công việc mình muốn làm. Môi trường làm việc thật sự có thể khác xa với bản mô tả công việc trên giấy.
2 – Những buổi phỏng vấn lấy thông tin làm cho bạn không còn cảm thấy sợ những buổi phỏng vấn xin việc nữa, vì bạn đã biết cách nói chuyện với người có chuyên môn về công việc mà bạn quan tâm.
3 – Giúp bạn nhận thức đâu là những điểm nhấn (về kỹ năng, kinh nghiệm, học vấn,..) giúp bạn trở thành một ứng viên tiềm năng khi xin việc.
4 – Qua những buổi phỏng vấn ban đầu, bạn sẽ chủ động trong việc giới thiệu các kỹ năng. Đây là đặc điểm mà các nhà tuyển dụng đánh giá cao.
5 – Bước này sẽ mang lại cho bạn những kiến thức bổ ích. Chẳng hạn như những điều bạn chưa biết về công việc, những khó khăn và thách thức cùng những cơ hội của nghề.
Các thông tin bạn cần “lấy” được sau lần phỏng vấn đầu tiên nầy là:
- Những yêu cầu của công việc nầy,
- Mức lương sàn,
- Đây có phải là lựa chọn nghề nghiệp thích hợp với bạn,
- Yêu cầu của người sẽ đứng ra tuyển dụng bạn,
- Những kỹ năng, phẩm chất cần thiết cho công việc này.
Bước 2: Xây dựng các mối quan hệ và thiết lập mạng lưới
Những người mà bạn gặp, tiếp xúc qua các cuộc phỏng vấn chính là những mối liên lạc có ý nghĩa quan trọng trong công việc của bạn. Bao quanh cuộc sống của bạn là mạng lưới các mối quan hệ cá nhân như bạn bè, gia đình, những người mà bạn quen biết và mạng lưới các mối quan hệ trong công việc. Cả hai mạng lưới đều có thể hữu ích khi bạn đi tìm việc.
Những mối quan hệ công việc tốt đẹp sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho việc phát triển sự nghiệp của bạn. Họ có thể tiết lộ cho bạn một vị trí còn khuyết trước khi nó được công bố rộng rãi trên thị trường lao động. Trong trường hợp công ty có một vị trí trống, họ sẽ giới thiệu cho bạn. Nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao lời giới thiệu của đồng nghiệp và những người có kinh nghiệm trong ngành.
Chú ý lưu giữ cẩn thận thông tin về những người bạn đã gặp: tên, số điện thoại và địa chỉ (thư điện tử và nhà) để bạn có thể liên lạc với họ sau này.
Bạn có thể lấy thông tin về công việc từ:
- Giáo viên, họ hàng, đồng nghiệp cũ;
- Những người mà bạn gặp trong buổi phỏng vấn;
- Các ấn phẩm báo chí (in hay điện tử)
- Những người mà bạn gặp khi tham gia các công việc thời vụ hay hoạt động tình nguyện;
- Những người bạn quen biết trong mạng xã hội
Hãy luôn giữ liên lạc với những mối quan hệ bạn có. Ít nhất một lần trong năm, hãy liên lạc và cho họ biết những biến chuyển trong cuộc sống cá nhân cũng như trong sự nghiệp của bạn. Đồng thời không quên thể hiện sự quan tâm đối với cuộc sống của họ. Nếu bỗng dưng bạn hỏi han, nhờ cậy họ chuyện công việc sau thời gian dài bặt vô âm tín thì có thể họ sẽ nghĩ bạn lợi dụng họ mặc dù họ có khả năng giúp bạn.
Bước 3: Nghiên cứu những tồ chức có liên quan
Bước nầy là lúc bạn cần tìm xem tổ chức nào đang tuyển dụng những vị trí công việc tốt hay công việc mơ ước. Thông thường, bạn có thể làm những công việc giống nhau ở nhiều tổ chức hay cơ quan khác nhau. Thông tin từ những cuộc phỏng vấn và những hiểu biết của bạn về thế mạnh của bản thân, yêu cầu của công việc sẽ giúp bạn lựa chọn được môi trường làm việc thích hợp nhất.
Dựa trên kết quả những cuộc phỏng vấn, bạn hãy tìm hiểu kỹ hơn những tổ chức đang tuyển chọn công việc mà bạn muốn. Bạn có thể tìm các thông tin qua các kênh sau:
- Trang tin điện tử (website) của các công ty đó,
- Đọc các bài viết (truyền thông, PR hay quảng cáo) trên báo chí về các công ty đó,
- Trao đổi với những người đang làm (hay đã từng làm) trong những ngành nghề mà bạn dự định sẽ tham gia, các đối thủ cạnh tranh hoặc những người hoạt động ở những tổ chức có liên quan.
Bạn nghĩ mình không có bất kỳ mối quan hệ nào?
Bạn luôn có nhiều mối quan hệ hơn bạn tưởng. Dưới đây là một vài mối quan hệ hữu ích cho bạn.
- Gia đình, người thân trong gia đình và họ hàng gần xa;
- Bạn bè và người thân của bạn bè;
- Danh sách bạn bè của bạn trên mạng xã hội;
- Hàng xóm;
- Đồng nghiệp và chủ công ty (quá khứ và hiện tại);
- Các nhân viên tư vấn ở trường hay các trung tâm tuyển dụng;
- Thầy cô, giảng viên
Các thông tin bạn cần thu thập trong Bước 3
- Lĩnh vực hoạt động của công ty hay tổ chức
- Mục tiêu của họ? Họ có đạt được mục tiêu đặt ra không?
- Những khó khăn hay trở ngại mà đang gặp?
- Những thành tích mà tổ chức đó đã đạt được trong lĩnh vực mà họ hoạt động?
- Họ đối xử với nhân viên thế nào?
Sau khi tìm hiểu, bạn hãy chọn lựa từ năm đến mười tổ chức phù hợp nhất với khả năng, sở thích cũng như nguyện vọng của bạn. Kết quả nghiên cứu trên từng tổ chức sẽ cho bạn biết tổ chức nào đang tuyển dụng vị trí bạn muốn, tổ chức nào có một môi trường làm việc phù hợp với bạn.
Sau đó, bạn hạy suy nghĩ nghiêm túc rằng bạn có thể mang lại hay đóng góp gì tổ chức/ công ty mà bạn muốn gia nhập.
Bước 4: Hành động để biến mục tiêu thành hiện thực.
Từ những tổ chức/ công ty mà bạn đã nghiên cứu ở bước 3, chọn năm nơi mà bạn muốn làm việc và bắt đầu chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển. Ở mỗi nơi, hãy xác định ai là người có quyền thuê bạn vào làm; thường là giám đốc đối với công ty nhỏ, người quản lý nhân sự hay lãnh đạo phòng ban đối với công ty lớn.
Trước cuộc phỏng vấn, bạn hãy phác thảo tất cả những điều mà bạn đã biết và nhớ rõ từng nơi để có sự chuẩn bị phù hợp. Bạn có thể đọc thêm các việc cần chuẩn bị trước khi phỏng vấn trong bài viết Kinh nghiệm phỏng vấn xin việc.
Nếu bạn không nhận được lời mời nào từ năm tổ chức đầu tiên, hãy lựa chọn thêm năm công việc tiếp theo mà bạn muốn. Hãy tiếp tục tìm hiểu các tổ chức, mở rộng các mối quan hệ công việc và tiếp tục tham dự phỏng vấn cho đến khi bạn nhận được lời mời làm việc.
Đối với một số người kiên trì và thật sự yêu thích một công việc nào đó. Họ vẫn tiếp tục săn công việc mơ ước mặc dù họ đã có được lời mời làm việc của nơi khác. Đôi khi cơ hội tốt hơn lại nằm ở phía sau.
Với 4 Bước chuẩn bị trên, bạn vẫn cần thêm các mẹo nhỏ khác để thành công. Với những nỗ lực, một chút may mắn và “đúng thời điểm”, bạn sẽ tìm được công việc mơ ước của mình.