1. Tổng quan
Quản lý tồn kho bởi nhà cung cấp (Vendor Managed Inventory – VMI) là phương thức tối ưu hóa hoạt động của chuỗi cung ứng trong đó nhà cung cấp chịu trách nhiệm về mức độ lưu kho của nhà bán lẻ. Nhà cung cấp được tiếp cận với các dữ liệu về hàng hóa trong kho của nhà bán lẻ và chịu trách nhiệm điều phối các đơn đặt hàng.
Khi các công ty trong chuỗi cung ứng quyết định hợp tác với nhau, kết quả của sự hợp tác này thường là sự trao đổi thông tin tốt hơn, các quy trình và hoạt động phối hợp cũng được cải tiến (trên cơ sở hỗ trợ lẫn nhau). Một ví dụ cho sự hợp tác này là mô hình VMI, trong đó bên mua cho phép nhà cung cấp (tức là người bán hàng) quản lý toàn bộ quy trình bổ sung hàng hóa và chịu trách nhiệm kiểm soát lượng hàng tồn kho của nhà bán lẻ. Một cách đơn giản, nhà cung cấp được trao nhiệm vụ giữ lượng hàng tồn kho trong kho nhà bán lẻ với những sản phẩm của mình để họ có thể giải quyết vấn đề quan trọng hơn là làm thế nào bán hàng hiệu quả nhất đến người tiêu dùng. Với thay đổi này, các nhà cung cấp chuyển mối quan tâm của mình từ việc làm các nhà bán lẻ mua nhiều hàng hóa hơn sang giúp họ bán được nhiều hơn.
Để đạt được điều này, nhà bán lẻ cho phép nhà cung cấp tiếp cận kho hàng cùng với các thông tin về lượng cầu (một cách cơ học hoặc thông qua hệ thống tin nhắn điện tử tự động) rồi xác lập các mục tiêu cho những mặt hàng sẵn có. Nhà cung cấp sẽ thường xuyên đưa ra quyết định mới về lượng đặt hàng, cách thức và thời gian vận chuyển. Kết quả là thay vì chờ nhà bán lẻ đặt hàng, nhà cung cấp tự điều tiết các giao dịch cung ứng. VMI là hoạt động cung ứng hiệu quả giúp nhà cung cấp đáp ứng nhu cầu mà không bị cản trở bởi các quyết định mua hàng trong chuỗi bán lẻ (hiệu ứng chiếc roi da – the bullwhip effect). Hơn nữa, VMI được xây dựng nhằm xóa bỏ hoặc ít nhất cũng giảm thiểu sự thiếu hụt trong cung ứng hàng, cũng như cắt giảm chi phí cho tất cả các thành viên trong chuỗi cung ứng. Theo đó, thước đo hiệu quả của nhà cung cấp không phải là thời gian giao hàng mà là lượng hàng hóa sẵn có và mức độ quay vòng của chúng.
2. Sử dụng khi nào
Một số nhà nghiên cứu cho rằng VMI đặc biệt phù hợp với những môi trường có tính ổn định tương đối, với ít thay đổi về nhu cầu và số lượng các sản phẩm tiêu chuẩn lớn. Tuy nhiên, cả nghiên cứu thực tế và mô phỏng đều cho thấy VMI cũng hiệu quả hơn phương thức bổ sung hàng truyền thống đối với các sản phẩm có số lượng bán ra ít với nhu cầu thay đổi lớn, mặc dù sử dụng phương pháp VMI trong môi trường này tốn khá nhiều nhân công.
VMI là cơ hội tốt cho các nhà cung cấp vì nó cho phép họ cắt giảm công suất thừa và đạt hiệu quả sản xuất cao hơn mà không cần tăng lượng hàng tồn kho và giảm mục tiêu đáp ứng các đơn đặt hàng. Hơn nữa, với các nguồn lực hạn chế, phương pháp này rất hữu ích trong xác định những đơn hàng nào có thể trì hoãn mà không gây tổn thất cho nhà bán lẻ.
3. Sử dụng như thế nào
Chúng tôi xác định ý nghĩa chung và cụ thể của VMI đối với cả nhà bán lẻ và nhà cung cấp. Tất cả các công ty đều nhận ra rằng việc thực hiện một VMI thành công phụ thuộc rất nhiều vào các mối quan hệ giữa các công ty với nhau. Nếu VMI chỉ được xem như một giải pháp kỹ thuật đơn thuần, không tính đến các khía cạnh con người và xã hội liên quan thì sẽ rất khó đem lại thành công. VMI thực sự cần những nhóm làm việc có hiệu quả và các thành viên có cam kết thuộc tất cả các công ty liên quan. VMI sẽ thất bại nếu không có những mối quan hệ cần thiết, chuỗi cung ứng và cấu trúc tổ chức hợp lý.
Từ góc độ của người bán lẻ, quyết định có áp dụng VMI hay không không liên quan tới quan hệ của nhà cung cấp với các khách hàng khác. Thêm vào đó, các nhà bán lẻ có thể không muốn bỏ qua các hoạt động mua hàng vì chúng gần như là một năng lực cốt lõi của họ (xem mô hình 5). Theo đó, động lực của các công ty phải đồng nhất với các mục tiêu của VMI. Ví dụ, thưởng trên doanh thu bán hàng thường gắn với các mục tiêu bán hàng ngắn hạn, điều này là không phù hợp với VMI. Thêm nữa, các nhà bán lẻ nên kiểm soát hoạt động của các nhà cung cấp thông qua mức độ phục vụ của chính họ với khách hàng, bởi đây là mục tiêu cơ bản của việc bổ sung hàng vào kho hiệu quả. Tuy nhiên, VMI giải quyết các mâu thuẫn giữa những đo lường tính hiệu quả ở cả hàng tồn kho và mức độ phục vụ khách hàng.
Đối với nhà cung ứng, thuận lợi cơ bản là VMI giảm bớt sự bấp bênh của nhu cầu, cho phép những bước đệm nhỏ hơn về năng lực và lượng hàng tồn kho. Nhà cung ứng có cơ hội thuận lợi hơn để điều phối việc vận chuyển hàng đến các khách hàng khác nhau và lên thời gian biểu cho việc chuyển hàng – nhanh hoặc chậm hơn – tùy theo lịch sản xuất, tình trạng tồn kho của khách hàng và năng lực vận chuyển. Sự thông suốt của việc chuyển hàng thường được cải thiện nếu thực hiện VMI.
Điều phối việc đặt và giao hàng bổ sung thông qua nhiều nhà bán lẻ góp phần cải thiện dịch vụ. Một yêu cầu giao hàng cho một nhà bán lẻ không quá cấp thiết sẽ được hoãn lại một đến hai ngày nhằm tạo điều kiện để giao hàng cho một nhà bán lẻ khác cần kíp hơn. Tương tự, một đơn hàng bổ sung nhỏ hơn từ một nhà bán lẻ sẽ phải ưu tiên cho một đơn hàng lớn hơn của một nhà bán lẻ khác đang rất cần đến nó. Với khả năng cân bằng nhu cầu của tất cả các đối tác, nhà cung ứng có thể nâng cao hiệu quả của hệ thống mà không làm tổn hại lợi ích của bất cứ nhà bán lẻ nào. Các nhà bán lẻ hưởng lợi từ sự bảo đảm cho những yêu cầu cấp thiết nhất là sẽ nhận được sự quan tâm hiệu quả nhất. Không có VMI, nhà cung ứng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp ưu tiên cho vận chuyển hàng một cách hiệu quả.
Một hiệu ứng thú vị của VMI là dịch vụ chuyển hàng cũng được cải thiện cho các nhà bán lẻ khác không tham gia VMI nhưng mua hàng từ nhà cung ứng tham gia VMI với các nhà bán lẻ khác. Đây là kết quả từ khả năng của nhà cung ứng trong việc lên kế hoạch sản xuất hiệu quả hơn, do vậy nâng cao dịch vụ chuyển hàng nói chung. Thêm vào đó, việc bán hàng tăng thêm như một kết quả của việc cải thiện mức độ dịch vụ, xuất phát từ sản phẩm có sẵn nhiều hơn. Như vậy, khả năng sinh lợi đều tăng lên cho tất cả các doanh nghiệp trong dây chuyền.
Lợi ích của VMI rất nhiều cho cả nhà cung ứng và nhà bán lẻ.
Lợi ích chung:
- Lỗi truy cập dữ liệu giảm dựa trên kết nối máy tính tới máy tính. Tốc độ xử lý cũng nhanh hơn.
- Cả hai phía đều quan tâm đến việc cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người tiêu dùng. Giữ lượng hàng tồn kho chính xác theo nhu cầu của khách hàng sẽ có lợi cho tất cả các bên liên quan.
- Một quan hệ đối tác thực sự được thiết lập giựa nhà cung ứng và nhà bán lẻ. Họ làm việc cùng nhau và thắt chặt liên kết.
- Sự ổn định về mặt thời gian của các đơn hàng (xuất phát từ nền tảng xác định trước trong thực tế).
Lợi ích của nhà bán lẻ:
- Mục tiêu là đạt được sự cải thiện trong tỷ lệ cung cấp từ nhà cung ứng và đến người tiêu dùng, giảm thiểu khả năng cháy hàng và giảm thiểu mức tồn kho.
- Chi phí lập kế hoạch và đặt hàng giảm xuống vì trách nhiệm được chuyển sang phía nhà cung ứng.
- Mức độ chi phí chung được cải thiện do việc có sẵn mặt hàng cần thiết vào đúng thời điểm.
- Nhà cung ứng sẽ tập trung hơn bao giờ hết trong việc cung cấp dịch vụ tối ưu.
Lợi ích của nhà cung ứng:
- Nhìn thấy dữ liệu bán hàng của các nhà bán lẻ làm cho việc dự báo dễ dàng hơn.
- Các hình thức khuyến mãi được đưa vào trong kế hoạch lưu kho dễ dàng hơn.
- Giảm thiểu lỗi đặt hàng từ nhà bán lẻ (điều trước đây xảy ra như một hệ quả).
- Nhìn thấy mức tồn kho giúp xác định các ưu tiên (cung ứng thêm để dự trữ hoặc hết hàng). Trước khi sử dụng VMI, nhà cung ứng không có cái nhìn tổng quát về số lượng hoặc các sản phẩm được đặt hàng. Với VMI, nhà cung ứng có thể nhìn thấy nhu cầu tiềm năng với một sản phẩm trước khi nó được đặt hàng.
4. Kết luận
Mặc dù đã trở nên phổ biến với Wall Mart và Procter & Gamble cuối những năm 1980 nhưng đến gần đây, VMI mới nhận được nhiều sự chú ý vì sự xuất hiện các công nghệ thông tin liên lạc tinh vi cho phép chuyển dữ liệu gần như ngay lập tức. trên thực tế, sau khi được áp dụng vào các doanh nghiệp nói trên, VMI đã trở nên phổ biến trong nhiều ngành khác nhau và giành được sự quan tâm của nhiều công ty như Kmart, Dillard Department Stores, JCPenny, Campbell Soup, Johnson & Jounson, Berila.
Việc trao đổi thông tin điện tử giữa nhà cung ứng và nhà bán lẻ là phần quan trọng nhất trong ứng dụng VMI. Quả thực, việc ứng dụng thành công VMI thường phụ thuộc vào các hệ thống thông tin tích hợp, bao gồm các tổ hợp máy tính, công nghệ liên lạc, nhận dạng sản phẩm và hệ thống theo dõi giám sát. Do đó, các thủ tục bất thường và cách đánh số sản phẩm không thông dụng sẽ cản trở việc ứng dụng VMI.
5. Tài liệu tham khảo
Paquette, L. (2003) – The Sourcing Solution: A step by step guide to creating a successful pruchasing program. New York, AMACON.