Lý do bị loại bỏ: “Nó cũng chẳng quan trọng lắm”
Chúng ta thường trì hoãn do thiếu động lực. Thật khó hào hứng khi bạn dường như chẳng biết mình đang đi đâu. Một giải pháp đơn giản là theo dõi tỉ mỉ tiến độ của mọi quy trình mà bạn đang cố thể hiện.
Peter Drucker có một câu nói nổi tiếng: “Thứ gì đo lường được thì sẽ quản lý được.”
Để cải thiện mọi điều trong cuộc sống, bạn cần phát triển thói quen theo dõi mục tiêu/ công việc hằng ngày. Sau đó, bất kể khi nào bạn cảm thấy thiếu động lực, bạn có thể nhìn lại những thành quả mà bạn đã đạt được để xem mình đã tiến xa được tới mức nào.
Việc theo dõi có hai lợi ích:
Đầu tiên, bạn sẽ có được động lực để tiếp tục thực hiện công việc. Thông thường, một quy trình đơn giản giúp xử lý cùng một công việc mỗi ngày đã cun cấp đủ lý do để bạn tiếp tục. Chúng ta đều muốn đạt được những thành quả nhỏ. Bằng cách theo dõi một hành động, bạn sẽ tạo ra được một ‘thói quen nề nếp”, từ đó khiến bạn không muốn dừng lại vì làm vậy sẽ phá vỡ dây chuyền.
Thứ hai, bạn sẽ học được từ những kinh nghiệm cũ. Khi nhiều tuần, nhiều tháng trôi qua, bạn sẽ rất dễ quên mình đã tiến được bao xa. Bằng cách theo dõi những thành quả bạn đạt được trên con đường đi, bạn sẽ có thể nhìn lại và học hỏi được từ những thành tựu bạn đã hoàn thành.
Ví dụ, giả sử bạn đang muốn cải thiện lượng viết trung bình hằng ngày của mình. Bằng việc tỉ mỉ theo dõi những điều kiện xung quanh thói quen này, bạn sẽ nhìn ra những đặc điểm chung của những ngày mà bạn viết năng suất nhất. Cuối cùng, bạn sẽ xác định được môi trường hoàn hảo giúp bạn viết được nhiều.
Nên thực hiện thói quen theo dõi trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Hãy sử dụng nó cho những việc sau:
- Ước lượng khoảng thời gian bạn dành ra để làm các công việc thực sự.
- Những đồ bạn dung nạp vào cơ thể và tổng lượng calo của chúng.
- Thời gian/ khoảng cách/ điều kiện của chương trình rèn luyện thể chất của bạn.
- Tỷ lệ phần trăm chia nhỏ của các công việc mà bạn làm tại nơi làm việc.
- Lượng thời gian bạn dành cho cá nhân.
- Các chi tiêu tài chính như nợ, đầu tư và tiết kiệm.
Thật ra bất cứ điều gì bạn làm trong cuộc sống đều nên được theo dõi với một mức độ nào đó. Chỉ có ghi chép một cách cẩn thận thì bạn mới có thể rút ra các bài học từ mỗi kinh nghiệm và có được động lực để tiếp tục một thói quen nào đó hằng ngày.
Áp dụng thói quen
Phát triển thói quen theo dõi là một quá trình liên tục. Sẽ không có chuyện tự nhiên một ngày nào đó, bạn thức giấc và mong muốn làm một công việc gì đó một cách đều đặn. Thay vào đó, bạn sẽ phải biến nó thành một thói quen hằng ngày. Sau đây là một quy trình đơn giản để bắt đầu:
- Hãy xem xét từng mục tiêu S.M.A.R.T. dài hạn mà bạn đã thiết lập.
- Xác định cách để lượng hóa mỗi mục tiêu đó thành một hành động cụ thể hằng ngày (ví dụ, nếu bạn muốn xuất bản một cuốn sách vào ngày mùng 1 tháng 11, thì mỗi ngày bạn sẽ phải viết một lượng nhất định nào đó.)
- Hãy cam kết bạn sẽ làm việc đó mỗi ngày.
- Giám sát việc thực hiện thói quen này. Công cụ yêu thích của tôi là ứng dụng Lift do, nhưng bạn có thể tìm thấy rất nhiều ứng dụng chuyên về thói quen khác mà bạn yêu thích cho điện thoại của mình.
- hãy cập nhật mọi sự theo dõi của bạn ít nhất một lần một ngày. Tôi thường làm nó vào cuối ngày, trước khi đi ngủ, hoặc sau khi thức dậy mỗi sáng. Việc này thường chỉ mất của bạn 5 phút để hoàn thành.
- Hãy đặt một nhắc nhở đánh giá hàng tuần và hàng tháng để rà soát lại những thước đo mà bạn sử dụng để đạt được những mục tiêu S.M.A.R.T.
Việc theo dõi có vẻ như khá phiền toái. Chắc chắn nó đòi hỏi bạn đầu tư chút ít thời gian. Mặc dù vậy, bạn sẽ nhận ra rằng nó là một thói quen tạo động lực, giúp bạn theo sát mục tiêu và học hỏi từ những kinh nghiệm hằng ngày của mình.