Các khái niệm về tài sản theo luật nên biết

Bộ luật Dân sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 đã đưa ra những định nghĩa, khái niệm về Tài sản thường được dùng trong các văn bản pháp luật và hợp đồng giao dịch dân sự.

Các định nghĩa và khái niệm về tài sản bên dưới sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn khi thực hiện các hoạt động giao dịch, khởi kiện tranh chấp liên quan đến tài sản và quyền sở hữu.

1. Tài sản

Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản hiện có và hình thành trong tương lai.

2. Quyền tài sản

Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.

3. Bất động sản

Bất động sản bao gồm đất đai, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng.

Động sản là những tài sản không phải bất động sản.

4. Đăng ký Tài sản

Đăng ký tài sản là quyền sở hữu, quyền khác đối với bất động sản được đăng ký theo quy định. Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là động sản thì không phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật về đăng ký tài sản có quy định khác.

5. Tài sản hiện có

Tài sản hiện có là tài sản đã hình thành và chủ thể đã xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trước hoặc tại thời điểm xác lập giao dịch.

Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm tài sản chưa hình thành hoặc đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch.

6. Hoa lợi và lợi tức

Hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại.

Lợi tức là khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản.

7. Vật chính và vật phụ

Vật chính là vật độc lập, có thể khai thác công dụng theo tính năng.

Vật phụ là vật trực tiếp phục vụ cho việc khai thác công dụng của vật chính, là một bộ phận của vật chính, nhưng có thể tách rời vật chính. Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật chính thì phải chuyển giao cả vật phụ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

8. Vật chia được và không chia được

Vật chia được là vật khi bị phân chia vẫn giữ nguyên tính chất và tính năng sử dụng ban đầu.

Vật không chia được là vật khi bị phân chia thì không giữ nguyên được tính chất và tính năng sử dụng ban đầu. Khi cần phân chia vật không chia được thì phải trị giá thành tiền để chia.

9. Vật tiêu hao

Vật tiêu hao là vật khi đã qua một lần sử dụng thì mất đi hoặc không giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu.

Vật tiêu hao không thể là đối tượng của hợp đồng cho thuê hoặc hợp đồng cho mượn. Vật không tiêu hao là vật khi đã qua sử dụng nhiều lần mà cơ bản vẫn giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu.

10. Vật cùng loại

Vật cùng loại là những vật có cùng hình dáng, tính chất, tính năng sử dụng và xác định được bằng những đơn vị đo lường. Vật cùng loại có cùng chất lượng có thể thay thế cho nhau.

11. Vật đặc định

Vật đặc định là vật phân biệt được với các vật khác bằng những đặc điểm riêng về ký hiệu, hình dáng, màu sắc, chất liệu, đặc tính, vị trí. Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đặc định thì phải giao đúng vật đó.

12. Vật đồng bộ

Vật đồng bộ là vật gồm các phần hoặc các bộ phận ăn khớp, liên hệ với nhau hợp thành chỉnh thể mà nếu thiếu một trong các phần, các bộ phận hoặc có phần hoặc bộ phận không đúng quy cách, chủng loại thì không sử dụng được hoặc giá trị sử dụng của vật đó bị giảm sút.

Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đồng bộ thì phải chuyển giao toàn bộ các phần hoặc các bộ phận hợp thành, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!