02 – Nguyên tắc Toàn cảnh

Mục tiêu bao giờ cũng quan trọng hơn vai trò.

Vài năm trước, tôi được một tổ chức quốc gia có uy tín mời tham dự một hội thảo quan trọng. Cuộc hội thảo được tổ cức khá quy mô, gồm có 12 diễn giả được mời.

Vài tuần trước hội nghị, tất cả các diễn giả đã tập trung lại cùng với người sáng lập tổ chức để nói về đề tài sẽ trình bày và đưa ra những đề nghị. Vì thời lượng chương trình có hạn nên các diễn giả đều đấu tranh để giành được nhiều thời gian hơn cho đề tài của mình. Vai trò của mỗi diễn giả dường như trở nên quan trọng hơn mục tiêu của hội nghị.

Khi mọi người còn đang bận tập trung vào lợi ích cá nhân thì tôi chợt nhận ra rằng chúng tôi đã quên mất mục tiêu tại sao chúng tôi lại đến đây. Vì vậy, tôi đã nhường phần thời gian của mình cho một diễn giả khác vì tôi cho rằng thông điệp của ông ta sẽ tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của những người tham dự hội nghị này.

Điều đó cũng tác động đến những diễn giả còn lại. Họ nhận ra mục đích chung của cả nhóm khi có mặt ở đây. Sau đó, thay vì đề phòng và bảo vệ lợi ích của mình, tất cả các diễn giả đều sẵn sàng đóng góp mọi thứ vì lợi ích chung. Mục tiêu bao giờ cũng quan trọng hơn vai trò cá nhân. Đó là điều cốt lõi của Nguyên tắc toàn cảnh.

Tôi được lợi ích gì khi tham gia nhóm?

Khi sống trong một nền văn hóa ca ngợi những huy chương vàng cá nhân và đấu tranh vì quyền lợi thay vì nhận lấy trách nhiệm, thì mọi người thường có xu hướng bỏ quên lợi ích tập thể. Một bộ phận người cho mình là trung tâm của cuộc sống: họ chỉ tập trung vào những nhu cầu, mục tiêu và mong muốn của mình. Đối với những người này, nhóm cũng chỉ là một tập hợp những người làm theo những gì họ nói.

Nhưng nhóm không phải là công cụ phục vụ cho lợi ích ích kỷ của một cá nhân nào đó. Các thành viên trong nhóm phải làm việc cùng nhau, chia sẻ lợi ích với nhau, chứ không phải chỉ nhằm phục vụ lợi ích của một cá nhân. Nếu người nào đó lôi kéo và sử dụng người khác nhằm phục vụ lợi ích của riêng mình mà không phải là người xây dựng nhóm thì anh ta là kẻ độc quyền.

Nếu muốn quan sát động lực nhóm thông qua hành động, hãy xem xét những trận thi đấu thể thao. Dựa trên kết quả thi đấu, bạn có thể biết được tinh thần làm việc nhóm của từng đội.

Để giành được chiến thắng, các thành viên của đội luôn phải đặt lợi ích chung của cả đội lên phía trước. Họ phải nhớ rằng mục tiêu bao giờ cũng quan trọng hơn vai trò của bản thân – hay bất kỳ danh tiếng cá nhân nào.

Làm tất cả vì đội

Cựu huấn luyện viên nổi tiếng những năm 1950 của đội Oklahoma đã đưa phương pháp này vào The book of football wisdom (Các chiến thuật trong bóng bầu dục): ”Nếu muốn đạt được tiềm năng của cả đội thì mỗi cầu thủ phải sẵn sàng đặt lợi ích cá nhân dưới mục tiêu của toàn đội.”

Một số đội bóng như đội Notre Dame hay Penn State, đề cao tinh thần làm việc nhóm bằng cách không ghi tên các cầu thủ lên áo mà chỉ đánh số và mọi sự chỉ đạo, hướng dẫn sẽ căn cứ trên số áo của các cầu thủ. Việc phối hợp chặt chẽ giữa các cầu thủ là yếu tố được đề cao trong đội bóng.

Một đội bóng muốn chiến thắng phải có những cầu thủ đặt lợi ích của toàn đội lên hàng đầu. Họ phải phát huy được khả năng của mình nhưng đồng thời cũng phải sẵn sàng hỗ trợ đồng đội. Họ sẵn sàng hy sinh vai trò của mình cho mục tiêu lớn lao hơn. Đó là Nguyên tắc Toàn cảnh.

Xác định mục tiêu chung

Mỗi thành viên đều có vai trò đóng góp vào mục tiêu chung của cả nhóm. Không có sự phối hợp này, nhóm sẽ không thể hoàn thành mục tiêu. Điều đó đúng đối với mọi hình thức nhóm (các đội thể thao, doanh nghiệp, gia đình, các bộ ngành hay chính phủ).

Đặc biệt, những nhà lãnh đạo cấp cao nhất càng phải thấu hiểu Nguyên tắc Toàn cảnh. Họ phải luôn đặt lợi ích chung của đất nước lên trước bản thân và đồng đội. Ví dụ như câu chuyện về Thủ tướng Anh, Winston Churchill. Chuyện kể rằng trong suốt Thế chiến Thứ Hai khi Vương quốc Anh phải trải qua những ngày đen tối nhất, đất nước gặp khó khăn và những người đàn ông phải làm việc trong các mỏ than đá. Rất nhiều người muốn từ bỏ công việc của họ tại hầm mỏ quyết định đến sự thành công của cuộc chiến. Nếu không có than đá, quân đội và người dân trên khắp đất nước sẽ gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, Thủ tướng Churchill đã gặp trực tiếp những người thợ mỏ để nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò của họ đối với cuộc chiến và cuộc sống của người dân trên khắp đất nước. Ông tôn vinh thành quả của những người thợ mỏ ngang bằng với chiến công của những người lính.

Điều này đã tác động mạnh đến những người thợ mỏ và họ đã trở về với công việc thầm lặng của mình với một quyết tâm sắt đá, luôn được nhắc nhở về vai trò của họ đối với mục tiêu thiêng liêng của đất nước đó là giữa gìn nền tự do cho phương Tây.

Đó là cách dùng để xây dựng nhóm. Nó tạo nên lòng can đảm và quyết tâm để họ nhận ra rằng mục tiêu bao giờ cũng quan trọng hơn vai trò. Nó có nghĩa là sự hy sinh lợi ích cá nhân cho mục tiêu chung của nhóm. Nhưng theo Eavin ”Magic”” Johnson, một doanh nhân thành đạt, đã từng là ngôi sao của NBA thì: ”Mỗi thành viên trong một đội vô địch đều là một nhà vô địch.”

Các bước xây dựng nhóm

Vậy làm thế nào để trở thành một tập thể thống nhất? Làm thế nào để trở thành một thành viên nhóm? Nó không phải là việc diễn ra trong chốc lát mà phải là cả một quá trình. Dưới đây là những bước để bắt đầu tiến trình này:

 1 – Xác định mục tiêu

Trước tiên, bạn cần xác định một mục tiêu. Không có nó, bạn sẽ không thể có một nhóm thực thụ. Nếu không biết mình đang đi về đâu, bạn sẽ kết thúc ở nơi nào đó. Một cá thể không có mục tiêu có thể kết thúc ở bất kỳ nơi nào. Một nhóm các cá thể không có mục tiêu sẽ không đi đến đâu. Nói cách khác, nếu mọi người trong nhóm cùng hướng đến mọt mục tiêu thì họ sẽ có tiềm năng trở thành một nhóm hiệu quả.

Những nhà lãnh đạo có vai trò nắm bắt và tuyền đạt mục tiêu của nhóm cho các thành viên còn lại. Đó là những lời phát biểu của Winston Churchill với các thợ mỏ trong chiến tranh Thế giới Thứ Hai. Đó là những gì Tiến sĩ Martin Luther King Jr. đã làm khi nói với mọi người về giấc mơ của ông tại Đài tưởng niệm Lincoln ở Thủ đô Washinhton. Đó cũng là những gì Giám đốc Điều hành của Ge, Jack Welch đã làm khi thông báo cho mọi người trong công ty biết rằng, nếu một đơn vụ của GE không thể dẫn đầu hoặc đứng thứ hai trên thị trường thì họ không còn là thành viên của GE nữa. Để hướng tới mục tiêu chung, đòi hỏi phải hy sinh những lợi ích nhỏ của các thành viên.

Vai trò của người lãnh đạo là xác định mục tiêu cho nhóm. Không có mục tiêu, các thành viên trong nhóm sẽ không tìm được khát khao để hoàn thành công việc.

 2 – Đánh giá tình hình

Việc xác định mục tiêu giúp bạn nhận ra khoảng cách để đạt được mục tiêu đó là bao xa. Đối với những người chỉ làm mọi thứ một mình thì khoảng cách giữa thực tại và tương lai còn đáng sợ hơn nhiều. Nhưng đối với các nhóm thì khoảng cách đó lại không đáng lo ngại. Họ không lùi bước trước mọi thử thách – họ tìm kiếm những cơ hội. Họ lập kế hoạch để hoàn thành mục tiêu đó.

 3 – Chuẩn bị nguồn lực cần thiết

Nguồn lực là những gì cần thiết để chúng ta có thể vươn tới mục tiêu. Bạn không thể đạt được sự tiến bộ nếu không có sự ủng hộ của các thiết bị, những tiện nghi, nguồn tài chính và v.v…. cho dù mục tiêu của bạn là leo lên một đỉnh núi, xâm nhập một thị trường hay thành lập một đoàn mục sư. Nếu có nguồn lực tốt thì các thành viên trong đội cũng sẽ tập trung hơn vào mục tiêu.

 4 – Lựa chọn thành viên phù hợp

Muốn xây dựng một nhóm thành công, thì quan trọng là phải lựa chọn những thành viên phù hợp. Nếu có mục tiêu, kế hoạch rõ ràng, nguồn lực dồi dào và khả năng lãnh đạo đáng khâm phục, nhưng lại không có những thành viên phù hợp, thì bạn sẽ không thể đi đến đâu. Bạn cũng có thể thất bại với những thành viên giỏi nhưng điều chắc chắn là bạn không bao giờ có thể chiến thắng với những thành viên tồi.

 5 – Từ bỏ những kế hoạch cá nhân

Những nhóm chiến thắng phải có những thành viên luôn tự hỏi: ”Điều gì là tốt nhất cho những người còn lại?” Họ luôn tạm gác lại những lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của toàn đội. Những lời của ”vua hamburger” Ray Kroc, người đã đưa MacDonald”s trở thành thương hiệu nổi tiếng trên thế giới: ”Không ai trong chúng ta quan trọng hơn những người còn lại,” chính là phương châm của các thành viên trong nhóm.

Mia Hamm, cầu thủ chủ chốt của đội bóng đá Mỹ đã đưa ra quan điểm của mình về tinh thần đồng đội – điều đã làm nên chiến thắng của đội bóng đá nữ Mỹ trong Thế vận hội Olympic và cúp bóng đá thế giới cách đây vài năm:

Bóng đá không phải là một môn thể thao cá nhân. Tôi không phải là người ghi tất cả các bàn thắng và những bàn thắng tôi ghi được thường là kết quả của sự nỗ lực của toàn đội. Tôi là thành viên của đội và tôi tin tưởng vào đội. Tôi thi đấu và cống hiến cho đội bởi vì toàn đội, chứ không phải bất cứ cá nhân nào, là nền tảng cho chiếc cúp vô địch.”

Mia Hamm hiểu được Nguyên tắc Toàn cảnh và cô đã làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ cho đội – kể cả việc giặt giũ đồ đạc. Cô đã chứng minh rằng mục tiêu quan trọng hơn vai trò.

 6 – Vươn tới một tầm cao mới

Chỉ khi các thành viên phối hợp với nhau và từ bỏ những lợi ích cá nhân thì nhóm mới có thể tiến lên một tầm cao mới. Đó là điều mà cách làm việc nhóm yêu cầu mỗi cá nhân phải hy sinh. Đáng tiếc là vẫn có một số người chỉ thích làm theo kế hoạch riêng của mình mà không nghĩ gì đến lợi ích chung của cả nhóm.

Đó cũng chính là điều mà nhà triết học Friedrich Nietzsche đã nói: ”Nhiều người rất ngoan cố theo đuổi con đường họ đã chọn, chỉ vài người theo đuổi mục tiêu.” Đó là những người chỉ biết nghĩ cho mình mà quên đi toàn cảnh. Vì vậy, tiềm năng của họ không được khai thác và những người đi theo họ cũng sẽ không tin vào khả năng của họ.

Vai trò của cá nhân đối với thành công của nhóm

Tổng thống Abraham Lincoln từng nhận xét: ”Nếu muốn kiểm tra tính cách của một người, hãy trao cho anh ta quyền lực.”

Điều đó đã được kiểm nghiệm qua cuộc đời và sự nghiệp của Tổng thống Mỹ Jimmy Carter. Nếu nhìn lại sự  nghiệp của ông – từ khi ông là nhân viên phụ trách các trường học cho đến thời kỳ đảm nhiệm cương vị tổng thống nước Mỹ – bạn có thể thấy rằng, ông luôn sẵn sàng đảm nhiệm bất kỳ vai trò nào để đạt được mục tiêu mà ông tin tưởng. Ông luôn làm theo Nguyên tắc Toàn cảnh.

Có lẽ không có ví dụ nào về Nguyên tắc Toàn cảnh sinh động hơn ví dụ về cuộc đời của Carter khi ông làm việc cho Habitat for Humanity (Tổ chức Hỗ trợ gia cư). Mục tiêu mà tổ chức Habitat đặt ra là xóa bỏ tình trạng vô gia cư trên thế giới.

Tổng thống Carter rất thíc mục tiêu của tổ chức này và ông tham gia rất nhiệt tình vào các hoạt động của tổ chức. Công việc của ông là phục vụ trong hội đồng Habitat, liên lạc với các phương tiện truyền thông, tìm nguồn vốn, …

Ông không hề để ý đến cương vị tổng thống của mình và chấp nhận làm tất cả mọi thứ, kể cả việc trực tiếp đến các công trường xây dựng và cùng ăn, cùng ở, cùng làm với những người thợ. Tinh thần đó của Carter đã thu hút mọi người thành lập những đội tình nguyện viên, phục vụ vì một mục đích chung.

Mục tiêu được chia sẻ

Jimmy Carter đã giúp Tổ chức Hỗ trợ gia cư được nhiều người biết đến. Sự giúp đỡ không vì tư lợi của ông đã khơi nguồn cảm hứng từ người giàu đến kẻ nghèo,từ người nổi tiếng đến vô danh, từ người có quyền lực đến những người không có quyền lực nhận ra mục tiêu to lớn là giúp đỡ mọi người ở tầng lớp thấp nhất trong xã hội bằng việc mang đến cho họ một nơi ở tươm tất hơn. Ông đã khơi gợi sự quan tâm của họ đến vấn đề này.

Đến nay, Habitat và những người tình nguyện đã xây được hơn 100.000 căn nhà cho hơn nửa triệu người trên toàn thế giới. Cũng giống như Carter, mọi người đều muốn sống có ý nghĩa hơn. Họ hiểu rằng mục tiêu quan trọng hơn vai trò. Họ đã đi theo chân lý của Nguyên tắc Toàn cảnh.

Tư duy đồng đội

Khi xác định được mục tiêu chung, bạn sẽ phục vụ nhóm tốt hơn.

Để trở thành thành viên tốt hơn

Trong cuộc sống của bạn, có mục tiêu nào có ý nghĩa lớn lao hơn chính bạn?

Bạn có đang tham gia vào một hoạt động mang tầm vóc lớn không? Nếu không, hãy suy ngẫm về những mục tiêu và ưu tiên của mình. Nếu đang cố gắng hoàn thành một việc có ý nghĩa, hãy tự hỏi xem bạn sẵn sàng làm gì để hoàn thành nó. Bạn có sẵn sàng đóng một vai phụ nếu như điều đó cần thiết cho lợi ích của nhóm như Tổng thống Carter đã làm không?

Nếu bạn trả lời không, thì có nhiều khả năng bạn sẽ trở thành ”chướng ngại vật” cho thành công của nhóm.

Để trở thành nhà lãnh đạo giỏi hơn

Hãy nghĩ về mục tiêu chung của nhóm. Các thành viên trong nhóm thường có thái độ như thế nào với mục tiêu đó? Họ có mong muốn góp phần vào thành công của nhóm không? Hay họ chỉ muốn trục lợi cho mình?

Hãy bắt đầu nuôi dưỡng quan điểm của các thành viên trong nhóm bằng cách đi tiên phong trong việc ưu tiên cho mục tiêu chung hơn là những lợi ích cá nhân. Sau đó, hãy giúp các thành viên trong nhóm đi theo Nguyên tắc Toàn cảnh. Bạn cần khuyến khích, tôn vinh và khen thưởng những người nỗ lực hết mình vì mục tiêu của nhóm.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!