Tìm hiểu nghề Quản lý khách sạn (Hotel Manager),
Quản lý khách sạn là người lập kế hoạch, giám sát và điều hành các hoạt động của khách sạn.
Công việc của Quản lý khách sạn
- Hoạch định, chỉ đạo và phối hợp các công tác kế toán, ẩm thực, các phục vụ khách lưu trú, duy trì và phát triển đội ngũ nhân viên.
- Phân công, xác định nhiệm vụ ưu tiên, phối hợp các nguồn nhân vật lực, phát triển kế hoạch kinh doanh và chiến lược tiếp thị.
- Đảm trách việc quản trị cơ sở vật chất như công tác xây dựng, ngân sách, chi phí xây dựng, thuê mướn, bảo trì, thắp sáng, cung cấp điện, điều hòa nhiệt độ, lót sàn, đồ đạc và vận dụng nội thất.
- Kiểm soát vốn và chi phí hoạt động
- Bảo đảm việc tuân thủ các qui định của nhà nước về an toàn công nghiệp, sức khỏe và quy định hoạt động kinh doanh.
- Thực hiện hoạt động marketing kinh doanh cho thuê phòng, tổ chức hội nghị, lễ tiệc hay hội thảo.
- Soạn các báo cáo
- Quảng cáo về khách sạn qua những hoạt động giao tế công cộng trong cộng đồng doanh nghiệp địa phương.
Trong những khách sạn lớn, mọi người thường chuyên vào một hoặc hai lĩnh vực như bộ phận phòng (room division) hay ẩm thực (food & beverage). Tuy nhiên, càng ngày người quản lý càng cần có kỹ năng trong tất cả các lãnh vực trên. Công việc của người quản lý khách sạn thường phải kéo dài và giờ giấc thất thường, kể cả buổi tối, ngày cuối tuần và ngày nghỉ. Họ là người khéo léo trong giao tiếp, nhiều lúc phải tiếp xúc với những người khách khó tính. Họ phải có mặt bất cứ khi nào có vấn đề rắc rối nảy sinh.
Quản lý khách sạn có thể điều hành một khách sạn tư của mình hay làm cho một công ty điều hành mạng lưới khách sạn. Họ có thể tự làm chủ bằng cách mua lại những khách sạn nhỏ hoặc quyền quản lý các cơ sở phục vụ cho khách sạn lớn.
Các bộ phận trong Khách sạn
1 – Quản lý phòng (Accommodation Manager): Chịu trách nhiệm bộ phận tiền sảnh, dịch vụ phòng ốc và đội ngũ bảo vệ.
2 – Quản lý ẩm thực nhà hàng (Food & Beverage Manager/ Catering Manager): Mua và bảo quản thực phẩm, điều hành đội ngũ nhân viên phục vụ bàn, tổ chức các buổi lễ tiệc, hội họp và giám sát các nhà hàng của khách sạn.
3 – Điều phối viên giải trí (Entertainment Coordinator): Tổ chức và giám sát các chương trình giải trí cho khách như âm nhạc, vui chơi, tham quan, thể thao và giải trí.
4 – Phụ trách phòng ốc (Executive Housekeeper): Phụ trách và chỉ huy các nhân viên phục vụ phòng, công nhân quét dọn, khuân vác hành lý và giám sát việc thay khăn trải giường.
5 – Quản lý tài chính (Financial Controller): Kiểm soát toàn bộ chi tiêu, lợi nhuận và giám sát bộ phận kế toán.
6 – Quản lý tiền sảnh (Front Office Manager): Giám sát bộ phận lễ tân, nhận đăng ký và đặt phòng.
7 – Quản lý tổng quát (House Manager): Điều khiển chung các trưởng bộ phận như trưởng phục vụ bàn, trưởng khuân vác, tiền sảnh, nhân viên tiếp tân và nhân viên bãi đậu xe.
8 – Quản lý nhân sự (Human Resource/ Personal Manager): Quản lý nguồn nhân lực, phỏng vấn, tuyển chọn nhân viên và có thể tổ chức các khóa huấn luyện. Một số khách sạn không có quản lý nhân sự riêng mà giao việc tuyển dụng nhân viên cho trưởng bộ phận liên quan.
9 – Quản lý hệ thống thông tin (Information System Manager): Giám sát hệ thống phục vụ thông tin sử dụng trong các phòng, bộ phận thức ăn nước uống, các bộ phận bán hàng và marketing. Bộ phận này cũng quản lý luôn việc sử dụng điện nước.
Yêu cầu công việc
- Khả năng tổ chức tốt
- Kỹ năng giao tiếp giỏi
- Cá tính cởi mở và có thể giao dịch với mọi hạng người
- Có khả năng làm việc chăm chỉ
- Linh hoạt trong xử lý tình huống