Nguyễn Minh Không và Dương Không Lộ
Trong những di tích văn hóa của thời kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc ta thì trống đồng là một sản phẩm độc đáo. Điều nầy cho thấy nghề đúc đồng đã xuất hiện khá sớm. Trong nhân dân đã tôn ông Tổ nghề đúc đồng là hai thiền sư Nguyễn Minh Không và Dương Không Lộ.
Việc giỗ Tổ hàng năm thường diễn ra hai lần vào ngày sinh tháng Giêng và ngày kỵ tháng chín của sư Tổ nghề.
Thiền sư Nguyễn Minh Không
Theo sách Nam Hải dị nhân của Phan Kế Bính thì sư Nguyễn Minh Không là người làng Đàm Xá, phủ Tràng An (Nam Định) tên là Nguyễn Chí Thành. Lúc nhỏ ông đi theo học đạo với thiền sư Từ Đạo Hạnh. Thầy khen ông là người c1o chí nên truyền ấn quyết và đổi tên là Minh Không thiền sư.
Tổ sư Không Lộ đã truyền nghề cho hai chú tiểu của mình là Phạm Quốc Tài (quê ở Đề Kiều) và Trần Lạc (quê làng Đông Mai). Hai người này đem nghề truyền cho dân làng mình. Do đó, ở các làng đúc đồng ngoài việc thờ tổ sư Không Lộ còn thờ cả hai chú tiểu nầy.
Thiền sư Dương Không Lộ
Sư vốn xuất thân làm nghề đánh cá. Sau đó ông đã sớm theo học đạo, tu ở chùa Keo (Thái Bình) và hành đạo ở nhiều nơi. Không những là vị sư thông tuệ kinh Phật mà ông còn có pháp thuật cao cường, có thể dùng tay moi được đồng trong lòng đất để chế tạo vũ khí trừ gian diệt bạo và các vật dụng khác. Hằng ngày, ông đi khắp nơi để chữa bệnh cho nhân dân và quyên góp đồng để đúc chuông cho các ngôi chùa.
Tứ đại khí
Tương truyền, hai vị thiền sư đã góp phần tạo nên “tứ đại khí” của nước ta cách đây 1000 năm. Đó là:
1- Tượng khổng lồ ở chùa Quỳnh Lâm, huyện Đông Triều (Quảng Ninh) cao 20 mét.
2 – Tháp Báo Thiên dựng ở chùa Dùng Khánh (Thăng Long) gồm 12 tầng, cao 70 mét.
3 – Chuông Quy Điền ở chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) cao đến 3 sải, mấy người ôm không xuể. Do quá to lớn không làm sao đánh cho kêu, người ta mới đem ra bỏ ở khu ruộng nước gần chùa. Từ đó rùa thường vào làm ổ nên được gọi là ruộng rùa (Quy Điền).
4 – Vạc chùa Phổ Minh (Nam Hà) sâu 4 thước, rộng 10 thước, nặng 6.150 cân.
Về sau vào thời thuộc Minh (1414) thì Tứ đại khí đều bị giặc phá hủy. Chúng dùng đồng để đúc vũ khí.
Bí truyền nghề đúc đồng
Ngày xưa, khu vực sản xuất sản phẩm đồng cấm người lạ mặt bước vào vì sợ học nghề; cấm phụ nữ bước đến vì sợ ô uế.
Sản phẩm làm ra như chuông, cồng hay trống phải điều chỉnh âm thanh mà người trong nghề gọi là “lấy tiếng”. Thợ có trình độ “lấy tiếng” không nhiều, giá trị của tay nghề này là giữ vai trò quyết định cho số phận của sản phẩm. Nếu âm thanh không vang xa, không rền, không chính xác thì cồng, chuông hay trống ấy chỉ là một cục đồng mà thôi. Kỹ thuật “lấy tiếng” nầy là bí truyền, chỉ có cha truyền cho con, ông truyền cho cháu chứ con gái và con rể rất ít khi được truyền nghề.
Ngoài ra, sản phẩm đúc nào cũng phải “rập” tức phải giống hệt sản phẩm mẫu, đạt đến trình độ đó thì gọi là “trọi” hay “trọa” và điều quan trọng là khi đúc xong thì “thịt” phải lành lặn – tức khuôn hở mà kim loại nóng chảy ra sẽ lấp đầy tạo nên sản phẩm hoàn hảo sau khi đúc.