Mô hình số 58: Sáu chiếc mũ tư duy của De Bono

1. Tổng quan

Những chiếc mũ tư duy của De Bono thể hiện sáu cách nghĩ về các chiến lược. Eward de Bono (1985) cho rằng nhận thức và suy nghĩ của con người có nhiều loại, nhiều cách thức tiếp cận và xu hướng. Phần lớn con người phát triển những thói quen suy nghĩ làm giới hạn suy nghĩ của mình. De Bono tin rằng bằng việc xác định các cách tiếp cận khác nhau, con người có thể trở nên dễ cộng tác và làm việc năng suất hơn.

2. Sử dụng khi nào

Mô hình sáu chiếc mũ tư duy buộc chúng ta phải thoát khỏi cách suy nghĩ thông thường. Làm như vậy, nó giúp chúng ta hiểu được đầy đủ các khía cạnh của một quyết định và thấy những cơ hội mà chúng ta có thể đã bỏ lỡ; các quyết định quan trọng có thể được xem xét dưới nhiều góc nhìn khác nhau.

Giả thuyết của mô hình là mọi người có thể ra các quyết định chính xác hơn nếu họ bị buộc phải thoát khỏi các thói quen suy nghĩ của mình. Kỹ thuật này cho phép cảm xúc cần thiết được mang vào các quyết định định lượng thuần túy. Do vậy, lối suy nghĩ không theo lối mòn, sáng tạo được khuyến khích. Hơn nữa, kỹ thuật này còn cho phép đẩy nhanh quá trình ra quyết định.

3. Sử dụng như thế nào

Sáu chiếc mũ tư duy có thể được sử dụng tại một cuộc họp, một hội thảo hoặc một phiên động não nhưng đồng thời có thể được dùng bởi các cá nhân. Mỗi chiếc mũ là một cách suy nghĩ. Nếu sử dụng trong một nhóm, mỗi người tham dự sẽ đội chiếc mũ giống nhau trong cùng một thời điểm.

De Bono phân biệt các chiếc mũ suy nghĩ như sau:

  • Mũ trắng (thực tế): Với chiếc mũ trắng, một người có thể tập trung vào các dữ liệu hiện có. Phân tích thông tin và xem xét những điều có thể được rút ra.
  • Mũ đỏ (cảm xúc): Với chiếc mũ đỏ, một người có thể xem xét vấn đề bằng trực giác và cảm xúc. Cố gắng tưởng tượng những người khác sẽ phản ứng cảm tính như thế nào và cố gắng hiểu những phản ứng đó.
  • Mũ đen (chỉ trích): Với chiếc mũ đen, một người có thể xem xét tất cả các nhược điểm trong một quyết định. Xem xét một cách thận trọng và mang tính đề phòng: tại sao nó hoạt động? Chỉ ra các điểm yếu trong một kế hoạch.
  • Mũ vàng (chủ động): Với chiếc mũ vàng, một người có thể suy nghĩ chủ động. Xem xét theo một quan điểm lạc quan và cố gắng thấy hết các lợi ích của quyết định.
  • Mũ xanh lục (sáng tạo): Với chiếc mũ xanh lục, một người sẽ suy nghĩ một cách sáng tạo. Tạo ra các giải pháp cho vấn đề theo cách suy nghĩ tự do.
  • Mũ xanh lam (kiểm soát quá trình): Chiếc mũ này dành cho chủ tọa cuộc họp hay hội thảo. Người chủ tọa sẽ can thiệp vào quá trình và nói khi nào cần đổi những chiếc mũ.

4. Kết luận

Mô hình này cho phép suy nghĩ rất nhiều cách, ví dụ cho phép một vấn đề được xem xét từ nhiều góc độ. De Bono cho rằng yếu tố quan trọng nhất để sử dụng thành công mô hình này là lựa chọn một tiêu điểm có chủ đích trong suốt cuộc thảo luận.

Một cách tiếp cận cụ thể cần được lựa chọn sao cho phù hợp với yêu cầu trong từng giai đoạn của cuộc thảo luận. Do vậy, một cuộc thảo luận có thể bắt đầu với một chiếc mũ để phát triển các mục tiêu trong khi một chiếc mũ khác có thể được sử dụng để thu thập các phản ứng và quan điểm.

Bằng việc lựa chọn một tiêu điểm có chủ đích trong suốt mỗi giai đoạn của cuộc thảo luận, mọi người sẽ đồng thời tập trung vào cùng một khía cạnh của vấn đề và do đó trở nên dễ hợp tác hơn trong việc giải quyết và tìm ra một giải pháp.

5. Tài liệu tham khảo

Bono, E. De  (1985) – 6 Thinkings Hats. London: Little, Brown.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!